Những lần đầu tiên…

Bất cứ con người thành công nào cũng đều bắt đầu bằng tiếng khóc đầu tiên.
Bất cứ công trình nào cũng đều bắt đầu bằng viên gạch đầu tiên.
Bất kỳ “đế chế” nào cũng bắt đầu bằng những tham vọng đầu tiên.
Bản thân tôi cũng vậy, để trở thành bản thân tôi của ngày hôm nay, tôi cũng đã trải qua không ít những lần đầu tiên như thế. Và Gia đình và Vietmec chính là 2 trong số những nơi đã trao cho tôi những lần đầu tiên quý giá nhất.
Lần đầu tiên đến với thế giới này, đón chờ tôi là ánh mắt đầu tiên của bố và cái ôm ấm áp của mẹ. Để chờ đợi khoảnh khắc đầu tiên ấy là 9 tháng 10 ngày mẹ tự mình xoay vần trong công việc và chăm sóc chị gái tôi khi bố không thể ở nhà; là hơn 3 tiếng đồng hồ bố đạp xe từ đơn vị về trạm xá trong đêm khi nhận tin mẹ tôi chuẩn bị sinh. Bao nhiêu vất vả ấy để đổi lấy 1 ánh nhìn, 1 tiếng khóc của tôi – niềm hạnh phúc thứ 2 của bố mẹ.
Lần đầu tiên bố đón tôi tan học, tôi lại bị bạn cùng lớp bắt nạt đến chảy máu đầu. Bố liền dẫn tôi đến tận nhà bạn đó, gặp mẹ bạn ấy và yêu cầu bạn nhỏ ấy xin lỗi tôi bằng được. Khi ấy, thay vì sợ, tôi chợt thấy bố mình sao mà to lớn, mà vĩ đại đến vậy – cảm giác mà trước đây tôi chưa từng nhận ra. Khi ấy tôi 7 tuổi.
Lần đầu tiên tôi giấu bố mẹ viết thư cho chị gái kể chuyện tôi không thể nhìn rõ chữ viết trên bảng, bố mẹ sau khi biết tin đã chạy vội lên phòng tôi mà hỏi. Lúc đó tôi rất sợ, nhưng cả bố và mẹ thay vì la mắng thì đều gặng hỏi mọi chuyện với ánh mắt đầy lo lắng. Chiều hôm ấy, sau khi chọn được chiếc kính đầu tiên của mình, đeo lên, tôi mới lần đầu tiên nhìn rõ được những nếp nhăn trên gương mặt bố. Khi ấy tôi 11 tuổi.
Lần đầu tiên xa nhà, bố mẹ cùng anh rể thuê 1 chiếc xe đưa tôi lên nhập học, sắp xếp cho tôi ổn thỏa trong ký túc xá mới về. Hôm ấy, trong phòng ký túc xá của tôi, tôi là người có nhiều người nhà đi cùng nhất. Các bạn cùng phòng trầm trồ với tôi, còn tôi chỉ đơn giản là cười tươi, coi đó như một điều hiển nhiên. Khi ấy tôi 18 tuổi.
Ngày đầu tiên đi làm, bị anh Chánh văn phòng nhắc nhở về trang phục, tôi buồn và tủi thân. Mẹ gọi điện hỏi chuyện, tôi chỉ có thể cười mà nói mọi chuyện đều tốt. Mẹ nghe vậy liền thở phào nhẹ nhõm, lại dặn cần cố gắng học hỏi các anh chị để làm việc được tốt hơn. Tôi chỉ biết gật đầu, chợt lo lắng cho ngày mai đi làm. Nhưng “ngày mai” ấy đã khác. Mỗi ngày lại được giao một công việc mới, mọi sự lo lắng, sợ hãi đã nhanh chóng bị thay thế bằng cảm giác thích thú và háo hức. Tôi của ngày hôm ấy đã không còn là cô bé chỉ biết tới sách vở nữa rồi.
Lần đầu tiên được lựa chọn tham gia 1 dự án, tôi vừa mừng vừa lo. Buổi họp đầu tiên, tôi hồi hộp mà sơ ý mắc lỗi, nhưng lại chẳng có anh chị nào trong dự án trách mắng dù chỉ 1 lời. Xấu hổ và cảm thấy có lỗi, tôi tự dặn mình không bao giờ được mắc lỗi nữa. 1 lần rồi 2 lần, 2 lần rồi 4 lần, cũng không rõ tự lúc nào mà mỗi buổi họp với tôi lại trôi qua nhẹ nhàng đến thế.
Lần đần tiên được chuyển sang bộ phân khác với những người đồng nghiệp khác, lại 1 lần nữa cảm thấy lo lắng và thiếu tự tin bởi tôi cảm thấy bản thân chưa đủ khả năng. Nhưng nhờ người chị đáng tin cậy dẫn dắt cùng một người em giỏi giang đồng hành, mọi nỗ lực đã được đền đáp bằng tấm bằng khen đầu tiên đầy bất ngờ.
Lần đầu tiên được chỉ đạo tham gia tổ chức sự kiện, bản thân bỗng quay lại cảm giác hoang mang như ngày đầu. Mọi thứ bắt đầu bằng con số 0. Rồi “em cần làm thế này này, em liên hệ anh kia đi, em mua thêm cái đó nhé,…”, chỉ nhẹ nhàng vậy thôi mà các sếp đã giúp tôi cùng những người đồng nghiệp đáng tin cậy có thể tổ chức được sự kiện đó thực sự tốt đẹp – vượt xa so với những gì bản thân dự định ban đầu.
Lần đầu tiên được giao phụ trách 1 team, vô vàn câu hỏi hiện lên trong đầu. “Làm sao để quản lý được các bạn khác? Nhỡ các bạn ấy không nghe theo yêu cầu của mình? Các bạn mà không hoàn thành công việc thì mình phải làm thế nào? …” Cứ như vậy, thời gian trôi đi là chuỗi ngày liên tục đặt câu hỏi và tìm câu trả lời bằng mọi cách. Ấy vậy mà khi nhìn lại, tôi cũng đã đồng hành “chiến đấu” cùng team đó được hơn 1 năm rồi.
Lần đầu tiên khi được nghe giải thích về chủ đề của sự kiện kỷ niệm 10 năm thành lập Vietmec, tôi chợt nhận ra, trong suốt bao nhiêu ngày sinh nhật đó, đều là bố mẹ cùng tôi chúc mừng về sự ra đời của tôi, nhưng chưa bao giờ là tôi nhớ lại và biết ơn về những vất vả mà bố mẹ đã trải qua để có tôi của ngày hôm nay. Tôi cũng chợt nhận ra mình chưa bao giờ dành 1 lời cảm ơn thực sự gửi tới những người anh, người chị, người thầy tại Vietmec đã từng bước dẫn dắt và đồng hành với mình. Tâm trạng bỗng trùng xuống.
Trong suốt 27 năm, những lần đầu tiên bố mẹ trao cho tôi là sự lớn lên, những lần đầu tiên Vietmec trao cho tôi là sự trưởng thành. Trong cuộc đời mỗi người có bao nhiêu lần đầu tiên như thế, nhưng liệu ta có đủ dũng cảm và khả năng để vượt qua chúng hay không. Và cách ta vượt chúng chính là cách mà ta vượt lên mọi khó khăn phía trước để vươn tới mỗi điểm đích trong cuộc đời. Tôi không phải là người tốt nhất, nhưng tôi đã và đang cố gắng để trở thành phiên bản tôi tốt nhất.
Có câu nói rằng “Mọi việc bạn gặp trong đời đều có mục đích của nó, mỗi người bạn gặp qua đều có ý nghĩa nhất định”. Bởi vậy, không dám hứa sẽ đồng hành cùng Vietmec đến cuối cùng, nhưng tôi chắc rằng mỗi ngày bản thân còn ở Vietmec, tôi sẽ dùng mọi cơ hội bản thân có để tạo nên những dấu ấn – dấu ấn với Vietmec và dấu ấn với chính bản thân mình. Để bố mẹ và Vietmec có thể hãnh diện khi có tôi. Cũng là để bản thân tôi có thể tự hào khi là con của bố mẹ và giới thiệu với bất cứ ai tôi gặp về Vietmec.
Cảm ơn bố mẹ đã luôn hy sinh để con có được ngày hôm nay!
Cảm ơn Vietmec đã đồng hành cùng tôi trên chặng đường của sự trưởng thành!
Người dự thi: VM60: Nguyễn Thị Quỳnh – Đơn vị Văn phòng Tập đoàn
Ngày đăng18:00 - 30/06/2022 - Cập nhật lúc 4:40 PM , 25/04/2024

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Đến với Vietmec Group cùng sống và làm việc với đam mê

Vị trí tuyển dụng
Chia sẻ
Bỏ qua
Top